Toàn cảnh quy hoạch phát triển giao thông trong liên kết Vùng TP.HCM mở rộng

Với phương châm “giao thông đi trước mở đường”, hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng, là nòng cốt đảm bảo kết nối liên thông, phát triển đồng bộ các khu vực đô thị vệ tinh, hệ thống đô thị phát triển bền vững là vấn đề được Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương rất quan tâm phát triển.

Vùng TP.HCM (sau đây gọi tắt là Vùng) được quy hoạch bao gồm 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: TP.HCM , Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, được phát triển theo mô hình “tập trung – đa cực” với mục tiêu trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế với hạt nhân là TP.HCM – một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam, đóng vai trò đầu tàu kinh tế.

Với phương châm “Giao thông đi trước mở đường”, hạ tầng giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng, là nòng cốt đảm bảo kết nối liên thông, phát triển đồng bộ các khu vực đô thị vệ tinh, hệ thống đô thị phát triển bền vững là vấn đề được Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đang rất quan tâm phát triển và có tác động lớn đến việc khai thác tiềm năng bất động sản.

Ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2076/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm thu hút đầu tư phát triển thị trường bất động sản vùng ven. Bên cạnh đó chính sách siết chặt quy trình thủ tục cấp phép dự án khiến nguồn cung dự án mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm đáng kể đã khiến thị trường bất động sản tại các tỉnh lân cận phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng đầu tư ồ ạt phát triển bất động sản tại một số khu vực trong khi các khu vực khác có tiềm năng nhưng chưa được chú ý tới dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong phát triển các khu vực đô thị vệ tinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung và và gây ra các hiện tượng “sốt ảo” ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.

Vấn đề liên kết Vùng TP.HCM và định hướng kết nối giao thông vận tải

Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh trong Vùng được đẩy mạnh, nhiều khu đô thị mới được hình thành với tốc độ phát triển nhanh chóng. Một số điểm nóng đáng chú ý như thành phố Biên Hoà, huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)… Bên cạnh dự án trọng điểm quốc gia như CHKQT Long Thành, hàng loạt các công trình đã, đang và chuẩn bị được triển khai xây dựng kết nối TP.HCM với vùng vệ tinh như tuyến Metro số 1, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Vành đai 2, Vành đai 3, xa lộ Biên Hoà – Vũng Tàu… giúp rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển, tạo lực đẩy về hạ tầng và thúc đẩy phát triển bất động sản các tỉnh ven Thành phố.

Sự phát triển về hạ tầng, kéo theo dòng đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận, giúp “giải cứu” TP.HCM khỏi áp lực gia tăng dân số và đô thị hóa. Tuy nhiên, các dự án phát triển đô thị, bất động sản tập trung nhiều tại các khu vực vệ tinh phía Đông như Bình Dương, Đồng Nai, khiến sự phát triển mất cân bằng, giá đất tăng nhanh chóng, gấp 2-3 lần, thậm chí nhiều khu vực như Quận 2, Quận 9, Thủ Đức tăng 5-7 lần trong vòng 02 năm [1]. Việc phát triển tập trung khiến hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM với khu vực phía Đông trở lên quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực cửa ngõ dẫn vào Thành phố.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ GTVT đang lập, TP.HCM kết nối với các cực tăng trưởng trong Vùng theo các trục hành lang xuyên tâm, hướng tâm và các trục vành đai liên kết Vùng, cụ thể:

  • Đường bộ

Hệ thống đường bộ liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh trong Vùng chủ yếu thông qua 05 tuyến cao tốc, 10 tuyến quốc lộ (785km) và 03 tuyến vành đai của TP.HCM, cụ thể:

Kết nối thông qua hệ thống cao tốc:

– Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây: đã được đầu tư theo quy hoạch (giai đoạn 1 dài 43km, quy mô 04 làn xe), hiện nay lưu lượng phương tiện đã vượt năng lực thiết kế đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cấp, mở rộng, đặc biệt phục vụ kết nối khi CHKQT Long Thành đi vào hoạt động và chống ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ TP.HCM.

– Cao tốc Biên Hòa – Phú Mỹ – Vũng Tàu (dài 76km): hiện nay đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ (dài 46km, quy mô 4-6 làn xe) chưa được đầu tư theo quy hoạch, cần đẩy nhanh tiến độ nhằm giải quyết giao thông kết nối khu vực CHKQT Long Thành và cảng biển Cái Mép – Thị Vải.

– 03 tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (dài 55km); TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (dài 69km); Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt (dài 208km, hiện đang khai thác đoạn Liên Khương – Đà Lạt) đang được nghiên cứu đầu tư, cần tập trung đầu tư để hỗ trợ, thay thế cho các quốc lộ: QL22, QL20, QL13.

Hiện nay các tuyến cao tốc trên đã được dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng quy hoạch trong trường hợp cân đối được nguồn vốn đầu tư trung hạn.

Kết nối thông qua hệ thống đường vành đai:

– Vành đai 2: theo quy hoạch tại Quyết định 568/QĐ-TTg đến năm 2015 sẽ hoàn thành, tuy nhiên hiện chỉ khép kín được 51/64km (đạt 79,7%), các đoạn tuyến còn lại (nút giao thông cầu vượt Gò Dưa – cầu Phú Hữu và Ngã ba An Lạc – Nguyễn Văn Linh) đang được TP.HCM đầu tư và dự kiến hoàn thành vào 2023;

– Vành đai 3: theo quy hoạch dài 89 km, quy mô 6 – 8 làn xe, đến 2020 sẽ hoàn thành 42km tuy nhiên hiện mới đầu tư, khai thác 16 km đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn. Bộ GTVT dự kiến khởi công đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (dài 16,57km) trong quý III năm nay và tiếp tục bố trí nguồn vốn giai đoạn 2021 – 2025 để hoàn thiện khép kín vành đai 3.

– Vành đai 4: theo quy hoạch dài 198 km, quy mô 6 – 8 làn xe, hiện đang nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ đầu tư đoạn Long Thành – Phú Mỹ để kết nối với khu vực CHKQT Long Thành.

Kết nối thông qua hệ thống quốc lộ:

Hiện 06/10 tuyến Quốc lộ trong vùng đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng theo Quy hoạch: QL22B, QL20, QL1K, QL1A, QL55, QL51B, QL56. Tuy nhiên, vẫn còn 04/10 tuyến kết nối TP.HCM với các cửa khẩu quốc tế, đầu mối vận tải lớn, các đoạn tuyến đi qua đô thị vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng theo đúng quy mô quy hoạch gây ùn tắc giao thông như: QL22, QL13, QL51, QL50.

  • Đường sắt

Đường sắt quốc gia: Trong Vùng có 01 tuyến đường sắt đang khai thác (đường sắt Bắc – Nam) và quy hoạch đến năm 2020 sẽ đầu tư mới 02 tuyến đường sắt (tuyến Trảng Bom – Hòa Hưng dài 39 km và Biên Hòa – Vũng Tàu dài 84 km), nghiên cứu 06 tuyến đường sắt (đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn TP.HCM – Nha Trang; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – CHKQT Long Thành; TP.HCM – Cần Thơ; Dĩ An – Lộc Ninh; TP.HCM – Tây Ninh; đường sắt chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước). Tuy nhiên, hiện nay cả 02 tuyến đường đường sắt dự kiến xây dựng mới chưa được triển khai.

Đường sắt đô thị: theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM sẽ có 08 tuyến đường sắt đô thị, 03 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray mono-rail. Các tuyến đường sắt đô thị hướng tâm, kết nối khu vực trung tâm (Bến Thành) tới các quận, huyện ven đô, trong tương lai sẽ là phương tiện VTHKCC đô thị chủ lực.

  • Đường thủy nội địa

Hệ thống các tuyến đường thủy nội địa kết nối trong Vùng gồm 05 tuyến ĐTNĐ và 01 tuyến vận tải ven biển, cụ thể như sau: (1) Tuyến Vũng Tàu -Thị Vải – Sài Gòn dài 73,5km kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu; (2) Tuyến Sài Gòn – Bến Súc dài 90km kết nối Bình Dương; (3) Tuyến Sài Gòn – Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông) dài 143km kết nối Tây Ninh; (4) Tuyến Sài Gòn – Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây) dài 143km kết nối Long An; (5) Tuyến Sài Gòn – Hiếu Liêm (sông Đồng Nai) dài 190km kết nối Đồng Nai và tuyến vận tải ven biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến TP.HCM

Các tuyến vận tải thủy hiện nay cơ bản đã được đầu tư nâng cấp theo Quy hoạch, các dự án đầu tư ĐTNĐ trong Vùng chủ yếu tập trung vào giải quyết các bất cập về hệ thống cầu vượt sông không đảm bảo tĩnh không, khoang thông thuyền trên các tuyến vận tải chính (cầu Ghềnh, cầu Bình Lợi v.v..).

  • Hàng hải

Hệ thống cảng biển trong Vùng bao gồm: Cảng cửa ngõ quốc tế (loại IA) Bà Rịa – Vũng Tàu; Cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương là cảng biển địa phương (loại II).

Các cảng biển đã được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch đồng bộ hiện đại như: cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải, bến cảng CMIT – cảng Bà Rịa – Vũng Tàu; khu bến Hiệp Phước (giai đoạn 1), khu bến Cát Lái (cảng TP.HCM), khu bến trên sông Đồng Nai; đã cải tạo nâng cấp luồng vào cảng biển khu vực TP.HCM theo sông Soài Rạp, luồng sông Thị Vải – Cái Mép; cải tạo luồng sông Sài Gòn, cầu Bình Lợi.

  • Hàng không

Theo Quyết định 236/QĐ-TTg (Quy hoạch hàng không), hệ thống các cảng hàng không phục vụ kết nối bao gồm 03 CHK:

– CHKQT Long Thành: đầu tư xây dựng đạt cấp 4F, công suất 50 triệu lượt HK/năm vào năm 2030. Hiện đang đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đến năm 2025 đạt công suất 25 triệu lượt HK/năm;

– CHKQT Tân Sơn Nhất: quy hoạch công suất 45 triệu lượt HK/năm, tuy nhiên hiện nay chưa đầu tư xây dựng nhà ga T3, công suất mới đạt 28 triệu lượt HK, đang khai thác vượt quá công suất;

– CHK Côn Đảo: nâng cấp đạt công suất 3C, quy mô 0,5 triệu lượt HK. Hiện nay CHK Côn Đảo mới chỉ đạt công suất 0,4 tiệu lượt HK/năm

Một số tồn tại, bất cập về kết nối giao thông liên kết Vùng TP.HCM

  • Đường bộ:

Theo Quy hoạch các tuyến kết nối TP.HCM với các tỉnh trong Vùng bao gồm 05 trục (QL và cao tốc song hành), tuy nhiên hiện nay ngoài trục kết nối với các tỉnh khu vực phía Đông (QL1 và cao tốc Bắc – Nam) được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, các trục còn lại hiện chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường QL, các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai.

Các tuyến vành đai TP.HCM (VĐ2, VĐ3, VĐ4) đều đầu tư chậm, không đảm bảo tiến độ theo quy hoạch, chưa khép kín, đặc biệt là tuyến đường VĐ3 với vai trò giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối giữa với khu vực Tây Nam Bộ, gây ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ và trục kết nối.

Các tuyến giao thông kết nối tới các cửa khẩu quốc tế đều phụ thuộc vào hệ thống quốc lộ hiện hữu (QL22, QL22B, QL13), không đáp ứng nhu cầu vận tải.

  • Đường sắt:

Tuyến đường sắt hiện hữu Bắc – Nam qua Vùng khai thác với tốc độ chạy tàu thấp, giao cắt đồng mức nhiều dẫn đến nguy cơ mất ANGT và gây ùn tắc giao thông tại các khu vực đô thị trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Đối với 02 tuyến đường sắt đề xuất mới theo quy hoạch (Trảng Bom – Hòa Hưng và Biên Hòa – Vũng Tàu) chưa được đầu tư dẫn đến chưa phát huy được vai trò của đường sắt trên hành lang TP.HCM – Đồng Nai và TP.HCM – Vũng Tàu.

  • Đường thủy nội địa :

Mạng lưới đường thủy nội địa mặc dù kết nối tới hầu hết các đầu mối vận tải và địa phương trong Vùng và được nâng cấp, cải tạo vào cấp kỹ thuật theo quy hoạch nhưng do công tác nạo vét, duy tu còn hạn chế dẫn đến nhiều đoạn không đảm bảo khai thác ổn định.

  • Hàng không:

CHKQT Tân Sơn Nhất hiện chưa triển khai đầu tư nhà ga T3 để nâng công suất thiết kế theo quy hoạch và đang khai thác vượt quá công suất, trong khi vị trí nằm trong khu vực trung tâm đô thị là nguyên nhân gây ra áp lực cho hệ thống giao thông đô thị và tình trạng ùn tắc giao thông

  • Cảng biển:

Hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực giao thông kết nối cảng biển TP.HCM đang bị quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông là “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, đặc biệt là nâng cấp, cải tạo hạ tầng các tuyến đường kết nối đến cảng biển, các nút giao thông khu vực lân cận như: tuyến Nguyễn Thị Định, nút giao Mỹ Thủy, đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa (trên QL1), xây dựng đường liên cảng Cát Lái-Phú Hữu…

Định hướng kết nối giao thông Vùng TP.HCM mở rộng

Theo định hướng các quy hoạch liên quan, để phát huy hết lợi thế của Vùng TP.HCM, giúp giãn dân và giảm áp lực hạ tầng, nâng cao môi trường sống, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến trục kết nối với TP.HCM theo quy hoạch, trong giai đoạn tới cần tập trung đầu tư vào một số công trình có tính chất động lực, lan toả, tăng cường khả năng kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh trong Vùng, cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, đối với kết cấu hạ tầng đường bộ, hoàn thiện hệ thống đường vành đai gắn kết với chuỗi đô thị vệ tinh

Tập trung đầu tư hoàn thiện 06 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 456km phục vụ kết nối Vùng, trong đó ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến kết nối trực tiếp với CHKQT Long Thành và khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm:

(1) Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (dài 43km): Mở rộng đoạn TP.HCM – Long Thành dài 24km, quy mô 08 làn xe trước năm 2025;

(2) Cao tốc Bến Lức – Long Thành (dài 58km): Đầu tư xây dựng quy mô 6 làn xe trước năm 2025;

(3) Cao tốc Biên Hòa – Phú Mỹ – Vũng Tàu (chiều dài 76km): Đầu tư xây dựng quy mô 6-8 làn xe trước năm 2025;

(4) Cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây: dài 99 km quy mô 04 làn xe, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2022;

(5) Tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài: dài 65km, quy mô 06 làn xe, đầu tư xây dựng trước 2025;

(6) Tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành: dài 115 km, quy mô 4-6 làn xe, đầu tư xây dựng trước 2025.

Đẩy nhanh tiến độ khép kín hệ thống đường vành đai TP.HCM: hoàn thành vành đai 2 trước năm 2023, vành đai 3 và vành đai 4 trước năm 2030 (trong đó ưu tiên xây dựng đoạn kết nối đến CHKQT Long Thành quy mô 6-8 làn xe hoàn thành trước 2025 và đoạn kết nối từ CHKQT Long Thành đến Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu  quy mô 6 – 8 làn xe trước 2030). Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cải tạo 10 tuyến đường bộ trong Vùng với tổng chiều dài 785 km theo đúng quy hoạch, đồng thời nghiên cứu triển khai đầu tư 03 tuyến giao thông quan trọng hỗ trợ kết nối với CHKQT Long Thành:

(1) Tuyến TL.25C – Vành đai 3 (Tân Vạn – Nhơn Trạch) : chiều dài 48,5km, quy mô 6 – 8 làn xe đưa vào khai thác trước năm 2025;

(2) Tuyến kết nối Liên vùng 04 (từ nút giao Gò Công – Quốc lộ 20), tuyến này hình thành sẽ giảm bớt áp lực giao thông lên đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành quy mô dài 45 km, bề rộng 40m (6 làn xe);

(3) Tuyến trên cao đi dọc theo Đường tỉnh 25C, vượt qua sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam dài 40km, quy mô 4-6 làn xe, kết nối vào tuyến trên cao số 3, từ đó liên thông với toàn bộ hệ thống đường trên cao của TP.HCM kết nối tới các khu vực quan trọng của TP.HCM và CHKQT Tân Sơn Nhất. Đây là tuyến ưu tiên chỉ kết nối riêng TP.HCM với CHKQT Long Thành.

Một số dự án đường bộ quan trọng khác có tính chất kết nối liên vùng, kết nối khu công nghiệp: cầu Phước An kết nối đường liên cảng Thị Vải – Cái Mép với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; Trục động lực kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang v.v…

  • Thứ hai, đối với kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó chú trọng đến kết nối về TP.HCM và cảng biển

Chú trọng đầu tư giai đoạn trước 2030 tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – CHK Long Thành dài 37 km đây là hạt nhân phát triển gắn kết với chuỗi đô thị dọc tuyến. Đồng thời, tập trung nghiên cứu đầu tư một số tuyến đường sắt theo quy hoạch, trong đó ưu tiên các tuyến kết nối với CHKQT Long Thành và khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm: Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ưu tiên đoạn TP.HCM – Nha Trang dài 370 km; Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu dài 84 km, trong đó ưu tiên đoạn Trảng Bom – Thị Vải, Cái Mép dài 65 km; Tuyến đường sắt tránh thành phố Biên Hoà dài 39 km; Đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh dài 128 km.

  • Thứ ba, đối với kết cấu hạ tầng cảng biển và đường thủy nội địa tăng cường kết nối tại các đầu mối cảng biển

Kết nối cảng biển: đây là đầu mối vận tải quan trọng của Vùng TP.HCM, do đó giai đoạn 2021-2025 cần nỗ lực tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối hệ thống cảng biển TP.HCM để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, xung đột giao thông trên các tuyến kết nối đến hệ thống cảng biển như: đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định, hoàn chỉnh theo Quy hoạch nút giao Mỹ Thủy, khép kín đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa (trên QL1), xây dựng đường liên cảng Cát Lái-Phú Hữu, xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4 (theo hình thức PPP)…. Cũng như, tập trung đầu tư hệ thống đường chuyên dùng kết nối cảng biển khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu: đường Long Sơn Cái Mép kết nối khu vực Long Sơn, đường tỉnh 25B, đường vào cảng Phước An, đường liên cảng từ KCN Ông Kèo đến Đường tỉnh 769 v.v…

Kết nối đường thủy nội địa: Cần tiếp tục triển khai Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistic phía Nam, Dự án cải tạo nâng cấp các cầu tĩnh không thấp khu vực phía Nam và đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường thủy quốc gia chính yếu trong Vùng.

  • Thứ tư, đối với kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt chú trọng đến giải quyết ùn tắc giao thông khu vực đầu mối CHK

Đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành để từng bước phân bổ lại hợp lý lượng hành khách thông qua CHKQT Tân Sơn Nhất hiện thường xuyên quá tải, hoàn thành giai đoạn 1 trước 2025 và đến 2030 đạt 50 triệu khách/năm.

Một số vấn đề cần lưu ý

1- Việc hình thành hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại vẫn tiếp tục được xác định là một trong ba đột phá chiến lược của Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII, do vậy những năm tới việc đầu tư hạ tầng kết nối được đặc biệt chú trọng, đặc biệt đối với khu vực vùng Tp Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn, năng động và nằm tâm điểm của Đông Nam Bộ kết nối với Tây Nam Bộ và  thuận lợi trong giao thương quốc tế.

Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm, quy mô GRDP của Thành phố năm 2020 ước chiếm 22,8% GDP cả nước và khoảng 48,4% GRDP của Vùng. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD (cả nước ước trên 3.000 USD/người). Thu ngân sách năm 2020 chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%).

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của TP.HCM và hạ tầng kết nối các tỉnh trong Vùng đang quá tải, thiếu đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt được khoảng 25÷27% so với nhu cầu theo các Quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Vùng. Trong các Chiến lược, Quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước nói chung và ngành giao thông vận tải (GTVT) nói riêng, Vùng TP.HCM tiếp tục được xác định là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Do đó, việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối Vùng sẽ tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh để tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế xã hội và tạo động lực phát triển Vùng.

2- Theo kinh nghiệm thế giới, việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội, phân bố lại dân cư và việc làm. Trong đó, phát triển giao thông vận tải là nền tảng, có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với phát triển đô thị: là cơ sở thực hiện quy hoạch đô thị, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, thúc đẩy giá trị bất động sản gia tăng, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông.

Một trong những điểm cốt lõi trong chiến lược phát triển của TP.HCM là sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị. Trong đó, các khu vực như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ dần hình thành nên những trung tâm đô thị mới tiềm năng và hấp dẫn trong xu thế giãn dân đô thị. Việc phát triển giao thông kết nối tạo đà phát triển cho thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận hưởng lợi theo hướng bền vững.

Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đã tạo ra một liên kết vùng không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, mà thị trường bất động sản hưởng lợi đầu tiên. Điển hình như năm 2010, khi cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết và Xa lộ Hà Nội, và sắp tới là các dự án lớn như CHKQT Long Thành, cầu Cát Lái bắc từ TP.HCM qua huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai khiến thị trường vùng ven đã ngay lập tức phát triển mạnh.

Các dự án luôn nằm giáp với địa phận TP.HCM và đặc biệt là dự án bám sát vào hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM. Còn tại Dĩ An (Bình Dương), thị trường bất động sản đã tăng trưởng nhanh chóng khi khu vực này tiếp giáp và kết nối thuận tiện với TP.HCM qua các tuyến đường Phạm Văn Đồng, QL 1. Tương tự, là cửa ngõ kết nối TP.HCM – Tây Nam Bộ, thị trường bất động sản tại các khu vực giáp Tp. Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã gia tăng nhanh chóng với việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, mở rộng các tuyến Quốc lộ 22, QL1, đường Lê Trọng Tấn, Trường Chinh.

3- Các thông tin quy hoạch hạ tầng nói chung của các dự án trọng điểm trong Vùng TP.HCM, cũng như cả nước đều được công bố công khai trên website và phương tiện thông tin đại chúng, do đó các nhà đầu tư nên thận trọng trước thông tin đồn thổi về việc quy hoạch, tạo dư luận để tăng giá đất, gây bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Thực hiện Luật Quy hoạch, các Bộ, ngành đang lập Quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng; các địa phương đang thực hiện quy hoạch tỉnh, đây là thời điểm những năm đầu của một kỳ quy hoạch mới, nhiều ý tưởng về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng đã được đưa ra. Tại khu vực Vùng TP.HCM điển hình như Thủ Đức, thành phố biển Cần Giờ và nhiều tuyến cao tốc huyết mạch tại TP.HCM được đề xuất gây tình trạng sốt đất cục bộ tại một số khu vực khiến cho giá đất khó kiểm soát trên thị trường, khiến cho các nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro cao. Ở nước ta, hầu hết những cơn sốt đất gần đây đa phần đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về dự án, quy hoạch. Do đó, trước khi thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ thông tin quy hoạch tại địa phương; pháp lý bất động sản; giá trị sử dụng thực của đất.

4- Tình trạng đầu tư vào phát triển bất động sản tại một số tỉnh, trong khi một số tỉnh lại không có dẫn đến tình trạng chưa phù hợp quy hoạch, các nhà đầu tư cần xem xét kĩ quy hoạch trước khi quyết định đầu tư, đặc biệt là các tỉnh lân cận TP.HCM.

Cấu trúc không gian Vùng TP.HCM được quy hoạch [2] gồm tiểu vùng đô thị trung tâm (bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai); tiểu vùng phía Đông (bao gồm các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu); tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc (gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương); tiểu vùng phía Tây Nam (bao gồm tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An). Tuy nhiên hiện nay đang có sự phát triển đô thị tập trung chủ yếu tại tiểu vùng phía Đông trong khi các tiểu vùng khác có sức hút đầu tư kém hơn, dẫn đến tình trạng mất cân bằng. Do đó, ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối cần có những chính sách thu hút đầu tư phát triển đồng bộ các khu vực trong Vùng TP.HCM đảm bảo thực hiện đúng theo quy hoạch.

 

Nguồn dẫn: TS. Lê Đỗ Mười/ Nhà đầu tư

Link bài gốc: https://nhadautu.vn/toan-canh-quy-hoach-phat-trien-giao-thong-trong-lien-ket-vung-tphcm-mo-rong-d50746.html

Được đóng lại, nhưng trackback và pingback được mở.