Chính thức khởi công xây dựng sân bay Long Thành hơn 16 tỷ USD

Ngày 5/1/2021, dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành chính thức khởi công giai đoạn 1. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu của quá trình đầu tư xây dựng sân bay lớn nhất quốc gia. 

* “Điểm nút” hàng không khu vực Đông Nam Á

Ngày 24-10-1997, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, trong đó có quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành.

Quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành được chính thức cụ thể hóa vào ngày 14-6-2011 khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch sân bay Long Thành. Sân bay Long Thành được quy hoạch tại vị trí nằm trên 6 xã: Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước của H.Long Thành. Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được phân kỳ thành 3 giai đoạn đầu tư.

Sau khi quy hoạch sân bay Long Thành được phê duyệt, các cơ quan chức năng của Trung ương và Đồng Nai đã nỗ lực để hoàn thành các thủ tục đầu tư cũng như công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Gần 10 năm sau ngày quy hoạch được phê duyệt, vào ngày 11-11-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1777/QĐ-TTg phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Mục tiêu xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là xây dựng một sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia làm 4 dự án thành phần. Trong đó, giai đoạn 1, sân bay Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 gần 109.112 tỷ đồng, tương đương gần 4,665 tỷ USD. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư đường băng dài 4km, rộng 75m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động; xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373 ngàn m2; xây dựng đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123m. Cùng với đó là các công trình phụ trợ gồm: nhà để xe; các nhà ga hàng hóa có tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; khu cung cấp suất ăn hàng không; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh máy bay, trạm cung cấp nhiên liệu, thoát và xử lý nước thải…

Ngoài ra, để phục vụ công tác thi công cũng như kết nối giao thông khi hoàn thành xây dựng, trong dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có thêm 2 hạng mục đường giao thông gồm: tuyến đường số 1 nối sân bay Long Thành với quốc lộ 51 có quy mô 6 làn xe và tuyến đường số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có quy mô 4 làn xe.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho biết, dự án Sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung, khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và các tỉnh phía Nam nói riêng. Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. “Về lâu dài, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển quốc tế của khu vực theo xu hướng chung của thế giới. Qua đó, tạo điều kiện để Việt Nam xây dựng và nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường hàng không khu vực Đông Nam Á và thế giới. Đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường hàng không trong điều kiện hội nhập quốc tế qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam bền vững và góp phần tăng cường khả năng đảm bảo quốc phòng – an ninh cho đất nước” – Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

* Dồn lực, góp sức cho “siêu” dự án

Sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng trên diện tích 5 ngàn ha. Ngày 6-11-2018, Chính phủ ban hành Quyết định số 1487/QĐ-TTg phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng vốn gần 23 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, diện tích đất cần thu hồi cho dự án Sân bay Long Thành lớn, số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nên áp lực cho công tác giải phóng mặt bằng là rất lớn. “Đây là dự án có diện tích đất cần thu hồi lớn nhất mà Đồng Nai thực hiện từ trước đến nay” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ.

Một khối lượng công việc khổng lồ lại phải thực hiện trong một quỹ thời gian khá gấp rút, do đó ngay từ đầu Đồng Nai đã xác định giải phóng mặt bằng cho dự án Sân bay Long Thành là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên toàn lực để thực hiện. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hơn 100 cán bộ của các sở, ban, ngành đã được điều động hỗ trợ H.Long Thành thực hiện các công việc. Đồng thời, Đồng Nai đã xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể trong đó dành ưu tiên đặc biệt, thực hiện nhanh khu vực 1,8 ngàn ha phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Cùng với việc thu hồi đất, Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến công tác ổn định cuộc sống của người dân vùng dự án, những người đã chịu thiệt thòi vì lợi ích của quốc gia.

Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp cho hay, đến nay địa phương đã thực hiện chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho 1.167 hộ dân với số tiền hơn 2,8 ngàn tỷ đồng. Cùng với đó, địa phương cũng đã tổ chức bốc thăm vị trí, giao đất cho 208 hộ dân.

Với những nỗ lực vượt bậc, ngày 20-10-2020, Đồng Nai đã thực hiện bàn giao gần 2,6 ngàn ha đất cho Bộ GT-VT để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. “Đồng Nai đã giữ đúng cam kết về việc bàn giao đất cho dự án Sân bay Long Thành theo đúng cam kết với Chính phủ” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đối với toàn bộ diện tích 5 ngàn ha đất phục vụ xây dựng sân bay Long Thành, Đồng Nai đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để có thể cơ bản hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý I-2021.

Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đầu tư một đường băng và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Chậm nhất đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường băng cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thiện, sân bay sẽ có 4 nhà ga và 4 đường băng, dự kiến năm 2040 sẽ hoàn thành.

 

Phạm Tùng/ Báo Đồng Nai

Link bài gốc: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202101/chinh-thuc-khoi-cong-xay-dung-san-bay-long-thanh-3037800/

Nguồn hình ảnh: Hình ảnh thuộc bản quyền của Trang Tiến Độ Dự Án – www.tiendoduan.com.vn. Do vậy, mọi sao chép, sử dụng lại dưới nhiều hình thức, nhất là kinh doanh – thương mại phải được sự chấp thuận bằng văn bản từ Ban Biên Tập.

Được đóng lại, nhưng trackback và pingback được mở.